Quy tắc điều chỉnh thương mại quốc tế Thương mại quốc tế

Trước đây, thương mại quốc tế thường được điều chỉnh bằng các hiệp định thương mại song phương giữa hai nước. Trước thế kỷ XIX, khi chủ nghĩa trọng thương còn chiếm ưu thế, đa số các nước áp đặt những mức thuế cao cùng nhiều hạn chế thương mại khác đối với hàng nhập khẩu. Kể từ thế kỷ XIX, tư tưởng về thương mại tự do dần dần nổi lên giữ vai trò chủ đạo ở các nước phương Tây, đặc biệt là ở Anh. Trong những năm kể từ sau Chiến tranh Thế giới lần thứ hai, các hiệp định thương mại đa phương như GATTWTO đã cố gắng xây dựng một cơ chế thương mại quốc tế có sự thống nhất điều chỉnh trên phạm vi toàn cầu.

Hướng tới thương mại tự do, các hiệp định thương mại không chỉ đàm phán việc giảm thuế mà còn đàm phán cả các biện pháp phi thuế như hạn chế số lượng nhập khẩu, cấp phép nhập khẩu, vệ sinh kiểm dịch, đầu tư nước ngoài, mua sắm chính phủ và tạo thuận lợi cho thương mại bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hải quan.

Trong quá khứ, thương mại tự do thường tập trung vào các mặt hàng nông sản, trong khi các mặt hàng chế tạo thường mong muốn được bảo hộ. Tình hình trong hiện tại lại ngược lại, đặc biệt là ở các nước phát triển. Ở Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản, những cuộc vận động hành lang đối với các lĩnh vực nông nghiệp là nguyên nhân chính khiến cho trong đa số các hiệp định thương mại quốc tế, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều quy định mang tính chất bảo hộ hơn là những lĩnh vực hàng hóa và dịch vụ khác.

Thương mại quốc tế thường được điều chỉnh bởi các quy tắc có tính toàn cầu thông qua các hiệp định của Tổ chức Thương mại Thế giới, mặc dù cũng có một số thoả thuận thương mại khu vực như AFTA giữa các nước ASEAN; MERCOSUR giữa một số nước ở Nam Mỹ; NAFTA giữa Hoa Kỳ, CanadaMéxico; Liên minh châu Âu giữa 25 quốc gia ở châu Âu. Có thể kể thêm một số thỏa thuận thương mại quốc tế thất bại như Khu vực Mậu dịch Tự do châu Mỹ (FTAA) hay Hiệp định Đa phương về Đầu tư (MAI).